-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Bài ca "Những dấu chân xanh"...
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC - 13 September 2021
Với hơn 33 năm công tác trong BĐBP, Đại tá Nguyễn Thành Phú, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị BĐBP Quảng Trị đã đặt chân đến khắp miền biên cương Tổ quốc, tận mắt chứng kiến sự khó khăn, gian khổ, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của những người chiến sĩ Biên phòng và bà con các dân tộc nơi biên giới. Vì thế, viết về đề tài biên giới và người chiến sĩ Biên phòng luôn là nỗi lòng trở trăn, đau đáu của anh.
Cầm tập sách có tên gọi “Những dấu chân xanh” của tác giả, Đại tá Nguyễn Thành Phú trên tay, lại thấy ghi là thể tài bút ký, tôi cũng như mọi người dễ có cảm giác ngại ngần. Bởi bút ký là những câu chuyện người thật, việc thật, nếu không dụng công, không có các yếu tố của nghệ thuật tự sự sẽ rất khó tạo được sự lôi cuốn, chưa kể tính thời sự của vấn đề có thể đã lùi xa, độ hấp dẫn của nội dung phản ánh không còn “nóng” nữa, những trang sách sẽ khó đi vào tâm trí của người đọc.
Nhưng cảm giác ấy ngay lập tức tan loãng khi 18 bút ký với những tựa đề đầy chất thơ lần lượt lướt qua con mắt của độc giả. Những “Luồng sáng biên thùy”, “Dòng chảy của núi”, “Biển là nơi mặt trời lên”, “Ấm nắng Sa Trầm”, “Dòng sông chảy hướng mặt trời”, “Vầng trăng nghiêng của núi”... như 18 ca khúc dạt dào tình đất, tình người chảy dọc dài suốt dãy Trường Sơn hùng vĩ, đến những cánh rừng cực Bắc thâm u, từ những dòng sông mênh mang, lẩn khuất, đến những cánh sóng ngập tràn nắng gió của biển khơi, cứ thế ngân vang qua từng con chữ, từng nhân vật, từng chi tiết. Để tiếp ngay đó là những trạng thái cảm xúc ùa từ trang viết vào tâm hồn bạn đọc. Trước hết là cảm giác khám phá. Nếu chúng ta chưa có dịp đi nhiều, biết nhiều, thì giờ đây, theo dấu chân của những người lính Biên phòng, những Pha Long, Trạm Thanh, Cà Roòng, Sa Trầm, Mò O Ồ Ồ, Suối Cheng... đang ở trước mặt với vô vàn những điều kỳ thú. Địa danh xa ngái chưa kịp làm chúng ta nguôi đi cảm xúc khám phá thì những nóc nhà của người Pa Kô, Vân Kiều, Mông, Dao... xuất hiện, kèm theo đó là chuyện kể của những già làng, là tình yêu của những cặp trai gái, là sự hy sinh thầm lặng của những người lính áo xanh, là những nét văn hóa không thể trộn lẫn nơi những cộng đồng người hẻo lánh, khuất lấp bên đường biên. Sau những cảnh và người, sau những sông và suối, sau những cánh rừng đại ngàn và biển cả mênh mông, là các nhân vật sinh động kéo chúng ta đi tới muôn nẻo thăng trầm của đời sống nhân sinh.
Đây chính là điểm mạnh nhất trong các bút ký của Nguyễn Thành Phú. Văn học phải là nhân vật. Bút ký văn học cũng khác bút ký báo chí ở chỗ nhân vật có nổi hình nổi khối, có tính cách, có ám ảnh, có tạo được sự yêu ghét, có để lại dư ba hay không? Tác giả đã cho thấy phải là người đi nhiều, ở nhiều, cảm nhiều và hiểu nhiều lắm mới có thể viết lên được những bút ký thấm đậm hiện thực và dạt dào cảm xúc như thế.
Đọc “Những dấu chân xanh”, không chỉ cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP, mà tất cả độc giả đều cảm nhận được hơi thở nóng ấm, sự trăn trở từ trái tim của tác giả Nguyễn Thành Phú, người luôn sống và viết về những người lính mang quân hàm xanh trên mọi nẻo đường biên cương của Tổ quốc. Bên cạnh đó, tác giả đã chọn đề tài bút ký để lợi dụng cái đắc địa nhất của văn chương để thăng hoa cảm xúc khi khắc họa tính cách người lính Biên phòng, đồng thời cũng là thế mạnh phát lộ những câu chuyện người thật, việc thật, với tất cả những cảm động, lãng mạn, hào hùng, bi tráng, chân thực nhất, đủ sức làm lay động mọi lứa tuổi độc giả.
Văn chương đẫm chất thơ cũng là một thế mạnh của tập bút ký. Không hiểu sao, sau khi đọc tập sách này, từ khi còn là bản thảo, trước mắt tôi bỗng hiện lên những hình ảnh của bộ phim nổi tiếng – “Bài ca không quên”. Và những ca từ trong ca khúc viết riêng cho bộ phim cứ ngân lên trong tôi không dứt. “Nhưng giờ đây có giây phút bình yên/Sao tôi quên, sao tôi quên/Bài ca tôi đã hát”... Tập bút ký “Những dấu chân xanh” của Nguyễn Thành Phú có thể coi là một bài ca dài nhắc nhớ mỗi chúng ta về tấm chân tình của những đồng đội tác giả trên mọi miền biên cương của Tổ quốc. Bài ca ấy có tên là “Những dấu chân xanh”...
Nguyễn Đình Tú (Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/bai-ca-nhung-dau-chan-xanh-post441503.html).