0 

Ba mươi "hạt dẻ" của Nguyễn Đình Tú

Cuốn sách Chú bé đeo ba lô màu đỏ của Nguyễn Đình Tú thuộc thể loại văn học phiêu lưu, với 30 chương ngắn cuốn hút khiến độc giả hồi hộp trước từng chương, như nàng Lọ Lem trước mỗi hạt dẻ của mình.

Cuốn sách 'Chú bé đeo ba lô màu đỏ' của Nguyễn Đình Tú (NXB Văn học, 2021)  /// Ảnh: K.B.H

Cuốn sách 'Chú bé đeo ba lô màu đỏ' của Nguyễn Đình Tú (NXB Văn học, 2021) (ẢNH: K.B.H)

Ở tuổi ngoài bốn mươi, hai chục năm có lẻ cầm bút chuyên viết văn xuôi, lại từng ra hàng chục đầu sách, nên khi bắt tay vào thực hiện những cuốn sách dành cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Đình Tú không chỉ chắc tay viết mà còn khá khôn ngoan trong việc thâu tóm tâm trí của lũ trẻ ngay từ những dòng đầu tiên. Lật từng trang cuốn sách Chú bé đeo ba lô màu đỏ, bạn đọc sẽ thấy trong đó có tất cả những gì mà bọn trẻ con ước ao khám phá.

Ngay khi mở đầu, tác giả đã khiến độc giả vừa tò mò, vừa lo sợ trước một cảnh hút chết của nhân vật chính - cậu bé mười tuổi tên Hưng - chẳng biết sức mạnh nào đã khiến cậu bé mười tuổi ấy cùng với cái ba lô đỏ riết chặt vào người vượt qua bàn tay Thủy thần để lóp ngóp bò lên bờ đê, trong khi chính bố cậu đã bị dòng nước ngục đầu cuồn cuộn cuốn đi. Tạo tình huống có sức ám ảnh ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách là cách mà Nguyễn Đình Tú hút chặt tâm trí người đọc nhỏ tuổi theo đuổi những chương tiếp theo. Và anh cũng không làm bạn đọc thất vọng khi từng chương, từng trang mở ra với những câu chuyện kỳ thú mà trẻ con vốn rất thích - đó là những khám phá bí mật, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, những cuộc chạm trán với những nhân vật khủng như trong huyền thoại, những chuyến đi tới những miền xa lạ… Toàn là những câu chuyện kỳ thú được viết với giọng điệu hấp dẫn khiến người ta chỉ cần đọc một lần là nhớ suốt đời. Cái cách đó không phải tay viết sành sỏi nào cũng đạt tới.

Văn phong sắc nét, gọn gàng, dễ hiểu, không dùng những từ ngữ hoặc điển cố có tính thách đố trẻ con, Tú tập trung vào miêu tả sự vật, sự việc, tình huống với ngôn ngữ giản dị mà giàu hình ảnh, biểu cảm. Có thể thấy trong cuốn sách đầy ắp thông tin thú vị về các vùng đất, về cỏ cây, muông thú lạ lùng. Không chỉ dừng lại ở miêu tả, Tú nhân cách hóa và khiến những đồ vật, muông thú, cỏ cây, thậm chí là hẳn một thị trấn Thạch Biên cũng hóa thành “nhân vật”, có tính cách, hình dạng riêng biệt, độc nhất, gây ấn tượng và không lặp lại. Cái tài tình của Tú, là ở sự tự do trong con mắt trẻ thơ, để nhìn sự vật, sự việc theo cách thơ trẻ, vì thế mà tráng lên toàn bộ cảnh quan và con người một lớp nước bóng óng ánh trong veo dưới mặt trời.

Không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi, mà ngay cả người lớn như tôi, khi đọc Chú bé đeo ba lô màu đỏ cũng thấy hứng thú và tìm thấy mình trong đó. Tôi đồ rằng những ký ức tuổi thơ Nguyễn Đình Tú đã hóa nhuyễn vào những dòng văn, chảy tràn hết trang này đến trang khác. Những đồng dao quen thuộc mà thế hệ 7X như chúng tôi ai cũng biết, lại một lần nữa trở về, trong trang sách của Tú, khiến tôi bồi hồi khôn nguôi.

Cuộc sống khác biệt của Hưng, với chiếc ba lô màu đỏ, hình ảnh ẩn dụ của hy vọng, ý chí và cái đẹp thiện lương, cùng những biến cố trong đời, những khám phá hiếm có mang lại cho độc giả nhỏ tuổi không chỉ kiến thức về cuộc sống va chạm thực sự bên ngoài lớp học và vòng tay nhung êm ấm của mẹ cha, mà còn là những bài học được chắt lọc qua những biến cố, xung đột và khám phá mà cậu bé phải (được) trải nghiệm. Những đứa trẻ thành phố ngay cả kỳ nghỉ hè cũng chỉ dành hầu hết thời gian vào màn hình xanh với những trò giải trí ảo, có thể sẽ đổi thay, và biết đâu đấy, sẽ khao khát được sống thực sự “hoành tráng” như Hưng, dẫu cho những thách thức mà cuộc đời dành cho Hưng thật không dễ chịu đựng (lam lũ, bon chen, đánh ghen và rơi vào bơ vơ không chỉ một lần). Văn của Nguyễn Đình Tú trong tập sách Chú bé đeo ba lô  màu đỏ dành cho thiếu nhi này, không chỉ là văn, mà còn chứa đựng những bài học sống giá trị, không chỉ đơn thuần là nghệ thuật, mà còn là sản phẩm tri thức thôi thúc con người thay đổi để phát triển.

Kiều Bích Hậu (Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/ba-muoi-hat-de-cua-nguyen-dinh-tu-1412310.html)