0 

Thông cáo báo chí

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2017 

Lễ ra mắt tuyển tập truyện ngắn Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô của nhà văn Diệp Thạch Đào do Nhà xuất bản Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Quốc lập Thành Công (Đài Loan), Sở Văn hóa thành phố Đài Nam (Đài Loan) tổ chức sẽ diễn ra vào 9h00 Chủ nhật, ngày 10 tháng 12 năm 2017, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, số 19 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tham dự chương trình có:

- Đại diện các đơn vị tổ chức: PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV; PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn học - Trường Đại học KHXH&NV; TS. Nguyễn Anh Vũ - Chủ tịch Hội đồng thành viên - Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học; GS. Trần Ích Nguyên - Đại học Quốc lập Thành Công - Đài Loan; Ông Diệp Trạch Sơn - Giám đốc Sở Văn hóa thành phố Đài Nam - Đài Loan
- Đại diện Ban lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam.
- Đại diện Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Trung tâm Giáo dục Đài Loan - Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội; Đại diện lãnh đạo Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Viện Hàn lâm KHXH VN.
- PGS.TS. Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Đại diện các Khoa khối Ngữ văn và Tiếng Trung các Trường Đại học: Khoa Đông phương học - Trường Đại học KHXH &NV - ĐHQG Hà Nội; Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Khoa Viết văn - Báo chí Trường ĐH Văn hóa Hà Nội; Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc - Trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội; Khoa tiếng Trung Quốc - Trường Đại học Hà Nội;
- Đại diện Ban lãnh đạo Thư viện Quốc gia Việt Nam; Đại diện Ban lãnh đạo Thư viện Hà Nội.
- Nhóm dịch giả biên dịch ấn phẩm Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô: TS. Nguyễn Thu Hiền, ThS. Nguyễn Thanh Diên (Khoa Văn học - Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội); TS. Nguyễn Thị Diệu Linh - Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Dẫn chương trình nghi lễ: TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng, ThS. Nguyễn Thanh Diên (Khoa Văn học - Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội).
- Dẫn chương trình tọa đàm: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Về tác phẩm "Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô" 

Tuyển tập "Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành là kết quả hợp tác giữa Khoa Văn học (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Khoa Văn học Trung Quốc (Trường Đại học Quốc lập Thành Công, Đài Loan), với sự tài trợ của Sở Văn hóa thành phố Đài Nam, Đài Loan. Tuyển tập gồm 8 truyện ngắn: Thánh mẫu tháng ba, Lễ tế thánh mẫu trên trời, Chiếc vòng cổ hoa hồng, Dòng họ kiếm ăn, Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô, Hậu duệ cuối cùng của tộc Chiraya, Hoa lay ơn và bột mỳ, Không hẹn mà gặp.

Đây là những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Diệp Thạch Đào - một nhà văn quan trọng hàng đầu, mở đường và được mệnh danh là người thắp sáng cho văn học Đài Loan. Sự ra mắt của cuốn sách này sẽ giúp nhiều người đọc Việt Nam không chỉ biết đến nhà văn Diệp Thạch Đào, hiểu về văn học Đài Loan mà còn có ý nghĩa tăng cường giao lưu về văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau.

Những truyện ngắn tiêu biểu trên được nhà văn Diệp Thạch Đào viết trong ba giai đoạn sáng tác: thời trẻ, tuổi trung niên và những năm cuối đời. "Thánh mẫu tháng ba", "Lễ tế thánh mẫu trên trời" (1949), viết về đề tài cách mạng, thể hiện sự phản kháng trước bạo lực chính trị, qua đó người đọc có thể cảm nhận được tinh thần dũng cảm của những người thanh niên Đài Loan trong những giây phút hoạn nạn, đặc biệt là tấm lòng bao dung và sự kiên trì của những người phụ nữ Đài Loan. Chúng ta đồng thời cũng nhìn thấy bóng dáng một Diệp Thạch Đào đầy nhiệt huyết thanh xuân lồng ghép trong không khí long trọng của ngày lễ tế thánh mẫu Thiên hậu mỗi dịp 23 tháng 3 âm lịch hàng năm của Đài Loan.

Ba tác phẩm "Chiếc vòng cổ hoa hồng", "Dòng họ kiếm ăn", "Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô" (1966-1968) đã đưa không gian của thành Zeelandia, thôn Ô Thu và ngõ Hồ Lô trở thành bối cảnh cho những câu chuyện về tình yêu nam nữ và cũng ở đó, chúng ta bắt gặp muôn mặt của xã hội: tiếng cười hòa lẫn nước mắt của những con người đời thường; nỗi xót xa, bất lực của những người trí thức... Trong những năm 1960-1970, xã hội Đài Loan bị kìm kẹp bởi nhiều sự kiểm soát chặt chẽ khác nhau, một Diệp Thạch Đào ở độ tuổi trung niên vẫn dùng bút pháp u-mua đen để phản ánh chân thực tiếng lòng của những người dân Đài Loan.

Đối tượng sáng tác của ba truyện ngắn "Hậu duệ cuối cùng của tộc Chiraya", "Hoa lay ơn và bột mỳ", "Không hẹn mà gặp"" (1989-1993) hướng tới là các cộng đồng dân tộc khác nhau. Chúng ta nhận thấy, trong những năm cuối đời, nhà văn Diệp Thạch Đào đặc biệt quan tâm đến văn học Đài Loan trong hình dung về một nền văn học đa chủng tộc, đa sắc màu. Ông đã xây dựng thành công nhân vật người con gái giàu nghị lực của tộc người bản địa sống ở vùng đồng bằng Đài Nam của Đài Loan tên là Phan Ngân Hoa. Với nữ nhân vật chính này, ông đã viết hàng loạt câu chuyện về tộc Chiraya trong đó có tác phẩm "Hậu duệ cuối cùng của tộc Chiraya", qua đó phản ánh mối quan hệ giữa tộc người Hán và các tộc người thiểu số khác của Đài Loan. Tương tự như vậy, với nhân vật chính là Cô An Thuận, nhà văn Diệp Thạch Đào cũng đồng thời sáng tác nên nhiều tác phẩm như "Hoa lay ơn và bột mỳ", "Không hẹn mà gặp"… để miêu tả về những ràng buộc xuyên văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc… Những câu chuyện ấy nhấn mạnh rằng, ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với chiến tranh, với sự đàn áp và khủng bố, hay sự phân biệt giàu nghèo thì điều quan trọng nhất vẫn phải giữ lấy bản tính lương thiện thể hiện trong sự bình đẳng, tình yêu thương, tinh thần tương hỗ giữa con người với nhau.

Về nhà văn Diệp Thạch Đào 

Diệp Thạch Đào (1.11.1925 - 11.12.2008) sinh ra và lớn lên ở thành phố Đài Nam, Đài Loan. Ông là nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học sử và là tiểu thuyết gia nổi tiếng của văn học đương đại Đài Loan. Thời kỳ khởi đầu văn nghiệp, ông viết bằng tiếng Nhật, sau này mới sáng tác bằng tiếng Hoa. Trong hơn 60 năm cầm bút, ông đã cho xuất bản hơn 100 cuốn sách bao gồm cả các sáng tác văn học và các công trình phê bình, nghiên cứu văn học. Trong đó có thể kể đến công trình quan trọng như Sử cương văn học Đài Loan, bộ lịch sử văn học Đài Loan đầu tiên do người Đài Loan biên soạn, hay những tác phẩm văn học tiêu biểu như "Thánh mẫu tháng ba", "Giấc mộng xuân trong ngõ Hồ Lô", "Ngày nắng và ngày râm", "Giày đỏ", "Hậu duệ cuối cùng của tộc Chiraya", "Người đàn ông Đài Loan tên Giản A Đào"… Sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời của nhà văn Diệp Thạch Đào đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho văn đàn Đài Loan, và cũng bởi vậy, năm 1999, ông đã vinh dự nhận được học vị Tiến sỹ danh dự do Trường Đại học Quốc lập Thành Công trao tặng. Ông đồng thời cũng liên tục nhận được nhiều giải thưởng văn học quan trọng như Giải thưởng phê bình văn học của Hội Văn học nghệ thuật Trung Hoa (1969), Giải thưởng bình luận văn học Vu Vĩnh Phúc lần thứ nhất (1980), Giải thưởng cống hiến trong lĩnh vực văn hóa của Thời báo Trung Quốc dành cho cuốn Sử cương văn học Đài Loan (1987), Giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực khoa học nhân văn của quỹ Đài Mỹ (Taiwanese-American Foundation) (1991), Giải thưởng văn học Oxford của Đại học Aletheia (1998)…

Nhận xét về nhà văn Diệp Thạch Đào

1. Nhà văn Diệp Thạch Đào cầm bút sáng tác là “để thắp sáng cho văn học Đài Loan vốn đang chìm trong bóng đêm”, “để mở đường cho văn học Đài Loan vốn đang gặp nhiều chông gai”. Thành tựu cả cuộc đời Diệp Thạch Đào đã biến “văn chương của Diệp Thạch Đào trở thành ngọn hải đăng của văn học Đài Loan”. (GS. Bành Thụy Kim - người chủ biên bộ Toàn tập Diệp Thạch Đào tại Đài Loan nhận định). 

2. Trong truyện ngắn của ông, chúng ta thường bắt gặp những ngõ nhỏ quanh co, những cung miếu nghi ngút hương khói, những món điểm tâm là đặc sản của vùng, có thể nói đó là những miêu tả mang màu sắc bản địa xuất hiện sớm nhất và có tính tiêu biểu nhất trong dòng chảy của văn học Đài Nam, thậm chí cả văn học mới Đài Loan. Sự kiến tạo từ tự sự về dung mạo văn hóa của một thành phố bằng ý đồ và số lượng sáng tác đồ sộ như vậy hoàn toàn không thua kém James Joyce viết về Dublin, hay Balzac viết về Paris. (Diệp Trạch Sơn - Giám đốc Sở Văn hóa thành phố Đài Nam).

3. Văn chương của Diệp Thạch Đào gắn chặt với lịch sử và văn hóa của đảo Đài Loan, đó là thứ văn chương của những xung đột, đối thoại và tiếp biến văn hóa, đó là thứ văn chương mang đậm tinh thần hậu thuộc địa. Từ điểm nhìn đó, có thể thấy những tương đồng rất đỗi gần gũi giữa sáng tác của ông và văn chương của không ít nhà văn Việt Nam đương đại, từ Nguyễn Xuân Khánh đến Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh… Hy vọng qua việc giới thiệu tập truyện ngắn này, sẽ khai mở thêm những chân trời mới của văn chương viết bằng Trung văn đến người đọc và giới nghiên cứu ở Việt Nam. (PGS. TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội).